TS. BS Bùi Văn Dân

Phó Chi hội Dị ứng, Miễn dịch Y học giấc ngủ

Bộ môn Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội 

 

Từ khoá: lupus ban đỏ hệ thống, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, Melatonin

Text:

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là bệnh lý tự miễn hệ thống tổn thương rất nhiều cơ quan với tần suất khác nhau, là bệnh tự miễn hệ thống hay gặp nhất với tần suất mắc từ 20-150 ca/100 nghìn dân và thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi 16-55. Tỷ lệ tử vong ước tính 50% sau 5 năm (1950) và 85% sau 10 năm (2013).

Rối loạn giấc ngủ (RLGN) gặp ở 70% số trường hợp bệnh nhân SLE, tuy nhiên số lượng nghiên cứu về RLGN ở lupus còn khá hạn chế. Tại thời điểm tra cứu hiện tại, chỉ có 36 công trình đã được công bố trên Pubmed khi tìm kiếm với từ khoá " RLGN và lupus", và 41 kết quả trên thư viện Cochrane, có ít liên quan tới từ khoá tìm kiếm.

Theo số liệu tổng hợp trong 5 nghiên cứu có cỡ mẫu từ 50 đến 205 bệnh nhân có hoặc không có nhóm chứng cho thấy, tần suất RLGN gặp ở trên 50% số bệnh nhân. Bệnh nhân SLE thường khó vào giấc ngủ hơn với biểu hiện giai đoạn 1 kéo dài; giấc ngủ sâu ngắn do rút ngắn giai đoạn ngủ sâu 3,4 và thường thức giấc ở nửa đêm và gần sáng. Ngoài ra, khi đo đa kí giấc ngủ, bệnh nhân thường có các biểu hiện rối loạn thông khí, và tăng vận động chi thể trong giấc ngủ và tăng biểu hiện sóng alpha trên điện não ở giai đoạn ngủ non-REM. Bệnh nhân thường có thời gian ngủ trong ngày nhiều hơn do tăng cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ so với người bình thường.

Những yếu tố nào có thể là nguy cơ cho RLGN ở bệnh nhân SLE bao gồm bệnh mạn tính, thời gian điều trị nằm viện kéo dài dẫn tới tâm lý chán nản, buồn phiền và suy giảm cảm xúc, khó đạt được trạng thái được tinh thần tốt trước giấc ngủ dẫn đến kéo dài thời gian của giai đoạn 1; tổn thương hệ cơ xương khớp dẫn tới đau chi thể làm cho bệnh nhân hay thức giấc về đêm hay không duy trì được giấc ngủ giai đoạn 3,4. Hơn nữa, các yếu tố như tổn thương các cơ quan chức năng như thận, tim mạch, sự hạn chế vận động do các rối loạn chức năng cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của RLGN. Hậu quả lâu dài của RLGN chính là giảm chất lượng cuộc sống, gia tăng cảm giác mệt mỏi. Trong nghiên cứu năm 2014 của Palagini và cộng sự trên 81 bệnh nhân SLE, có khoảng trên 30% bệnh nhân có RLGN biểu hiện trầm cảm.

Một số giả thuyết đưa ra để giải thích mối liên quan giữa RLGN và SLE như sự suy giảm nồng độ Melatonin, tăng nồng độ IL-6, giảm vitamin D, hay prolactin. Melatonin (hormon của giấc ngủ), được sản xuất bởi tuyến tùng và giải phóng vào trong máu, tăng sản xuất khi thiếu ánh sáng do đó có vai trò trong điều chỉnh nhịp sinh học. Melatonin đã được chức minh có vai trò kháng viêm, chống chết theo chương trình qua con đường ức chế caspase 3, và chống các gốc oxy hoá. Những trường hợp RLGN có sự suy giảm melatonin trong máu dẫn tới gia tăng quá trình viêm, tăng chết theo chương trình và tăng các gốc oxy hoá có thể là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến khởi phát SLE. Trong khi đó, IL-6 là một trong các inteleukin có vai trò kích hoạt quá trình viêm liên quan đến tăng sản xuất kháng thể của lympho bào B, tăng chuyển dạng tế bào T sang T điều hoà. Ở các bệnh nhân RLGN có sự tăng nồng độ IL-6 trong máu. Một yếu tố khác là sự giảm nồng độ Vitamin D trong máu đã được chứng minh có vai trò làm gia tăng các bệnh lý tự miễn cũng như tăng hoạt động của bệnh và tổn thương cơ quan đặc biệt là thận. Ở các bệnh nhân RLGN có sự suy giảm nồng độ vitamin D trong máu, tuy nhiên cơ chế giảm nồng độ trong máu ở RLGN thì vẫn chưa được rõ ràng, cũng giống như prolactin.

Hướng can thiệp có vai trò cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân SLE đầu tiên là làm giảm các yếu tố nguy cơ. Trong quá trình điều trị, ngoài quan tâm đến thuốc điều trị, bác sĩ lâm sàng nên dành nhiều thời gian hơn để điều trị tâm lý cho bệnh nhân, nâng cao các vấn đề về tinh thần, hạn chế các cảm xúc tiêu cực. Phát hiện sớm và điều trị đúng, tuân thủ phác đồ điều trị sẽ hạn chế đau chi thể và rối loạn chức năng cơ quan. Ngoài ra, nên phối hợp với phục hồi chức năng để lựa chọn các bài tập phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Các yếu tố khác cũng cần quan tâm như giảm liều corticoid hay ức chế miễn dịch và giảm trọng lượng cơ thể cũng là một số các biện pháp thay đổi nguy cơ RLGN ở bệnh nhân SLE. Hiện tại đang có 2 thử nghiệm lâm sàng sử dụng melatonin hay kích thích thụ thể melatonin ở những bệnh nhân SLE mất ngủ hay RLGN. Tuy nhiên, hiệu quả của các hoạt chất này trong điều trị RLGN ở bệnh nhân SLE cần được chờ đợi cho đến khi các thử nghiệm này kết thúc.

Tài liệu tham khảo

1. McKinley, P.S., S.C. Ouellette, and G.H. Winkel, The contributions of disease activity, sleep patterns, and depression to fatigue in systemic lupus erythematosus. A proposed model. Arthritis Rheum, 1995. 38(6): p. 826-34.

2. Valencia-Flores, M., et al., Objective and subjective sleep disturbances in patients with systemic lupus erythematosus. Arthritis Rheum, 1999. 42(10): p. 2189-93.

3. Gudbjornsson, B. and J. Hetta, Sleep disturbances in patients with systemic lupus erythematosus: a questionnaire-based study. Clin Exp Rheumatol, 2001. 19(5): p. 509-14.

4. Da Costa, D., et al., Determinants of sleep quality in women with systemic lupus erythematosus. Arthritis Rheum, 2005. 53(2): p. 272-8.

5. Iaboni, A., et al., Fatigue in systemic lupus erythematosus: contributions of disordered sleep, sleepiness, and depression. J Rheumatol, 2006. 33(12): p. 2453-7.

6. Chandrasekhara, P.K., et al., The prevalence and associations of sleep disturbances in patients with systemic lupus erythematosus. Mod Rheumatol, 2009. 19(4): p. 407-15.

7. Palagini, L., et al., Poor sleep quality in systemic lupus erythematosus: does it depend on depressive symptoms? Lupus, 2014. 23(13): p. 1350-7.

8. Chung, W.S., C.L. Lin, and C.H. Kao, Association of systemic lupus erythematosus and sleep disorders: a nationwide population-based cohort study. Lupus, 2016. 25(4): p. 382-8.

9. Kaul, A., et al., Systemic lupus erythematosus. Nat Rev Dis Primers, 2016. 2: p. 16039.

10. Mirbagher, L., et al., Sleep quality in women with systemic lupus erythematosus: contributing factors and effects on health-related quality of life. Int J Rheum Dis, 2016. 19(3): p. 305-11.

11. Inoue, M., et al., Predictors of poor sleep quality in patients with systemic lupus erythematosus. Clin Rheumatol, 2017. 36(5): p. 1053-1062.

12. Xerfan, E.M.S., et al., The role of sleep in the activity of lupus erythematosus: an overview of this possible relationship. Rheumatology (Oxford), 2021. 60(2): p. 483-486.

13. Efficacy of Melatonin in patients with stable systemic lupus erythematosus complicated with insomnia: a single-center, randomized, double-blind, placebo-controlled clinical trial. ChiCTR1900020803.

14. The effect of agomelatine on sleep disturbance, depression and anxiety in patients with systemic lupus erythematosus, a randomized, double-blinded, placebo-controlled trial. TCTR20171010002