Hội Y học giấc ngủ Việt Nam (VSSM) phối hợp cùng Hiệp hội Y học giấc ngủ Thế giới (WSS) trân trọng thông báo về việc tổ chức Kỳ thi chứng chỉ Y học giấc ngủ quốc tế (chương trình 02 năm). Kỳ thi này nhằm mục đích kiểm tra và công nhận năng lực của các chuyên gia, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực Y học giấc ngủ. Các ứng viên vượt qua kỳ thi sẽ được Hiệp hội Y học giấc ngủ Thế giới (WSS) công bố tên trong danh sách các chuyên gia Y học giấc ngủ trên website chính thức.

Thông tin cụ thể về nội dung, quy định liên quan tới kỳ thi được cập nhật trên trang web chính thức của Hiệp hội Y học giấc ngủ Thế giới (WSS) tại địa chỉ:

- Mục đích bài thi: https://worldsleepsociety.org/programs/examination/
Mô tả nội dung: https://worldsleepsociety.org/programs/examination/description-of-content/
Chương trình giảng dạy: https://worldsleepsociety.org/programs/examination/curriculum/

Thời gian: 13h30, ngày 9 tháng 6 năm 2024.

Địa điểm: Hội trường 2, Khách sạn Sải Gòn Đà Lạt.

Link đăng ký trực tuyến: https://docs.google.com/spreadsheets/d/10TfC9GLTVWQHsMguGxAABqqqGc57ec-BCqtppkZPT40/edit?pli=1#gid=1385739447

Hình thức: Ứng viên hoàn thành bài kiểm tra bằng tiếng Anh do Hiệp hội Y học giấc ngủ Thế giới (WSS) cung cấp và giám sát.

Lệ phí: 200 USD (bao gồm phí tham dự Hội nghị khoa học thường niên của Hội Y học giấc ngủ Việt Nam theo chương trình đính kèm và ăn trưa, gala dinner).

Thông tin chuyển khoản:

- Tên tài khoản: Hội Y học giấc ngủ Việt Nam
- Số tài khoản: 110614249999
Ngân hàng: Vietinbank, chi nhánh Lâm Đồng
- Nội dung: HỌ VÀ TÊN, đóng phí tham dự kỳ thi chứng chỉ Y học giấc ngủ quốc tế

Thời hạn: Ứng viên hoàn thành thông tin đăng ký theo link đăng ký và chuyển khoản lệ phí trước ngày 01/06/2024

Chúng tôi kính mời tất cả các bác sĩ, nhân viên y tế và những người quan tâm đến lĩnh vực Y học giấc ngủ tham dự và ủng hộ sự kiện này.

 Trân trọng,

---------------------

Tác giả: TS. Nguyễn Duy Thái
Hội Y học giấc ngủ Việt Nam

Bạn đã từng tự hỏi về những gián đoạn giấc ngủ của mình không? Hãy cùng khám phá về "Hội Chứng Ngưng Thở Tắc Nghẽn Khi Ngủ" thông qua chương trình phát sóng trực tiếp từ HTV7! 

🔍  Chi Tiết Chương Trình:

☑️ Chủ Đề: HỘI CHỨNG NGƯNG THỞ TẮC NGHẼN KHI NGỦ LÀ GÌ?

☑️ Khách Mời: GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ - Chuyên gia hàng đầu về giấc ngủ, Chủ tịch Hội Y Học Giấc Ngủ Việt Nam.

Trong chương trình, GS. Dương Quý Sỹ đã chia sẻ một cái nhìn sâu sắc về:

☑️ Định nghĩa Hội Chứng Ngưng Thở Khi Ngủ

☑️ Nguyên nhân gây ra tình trạng này

☑️ Các triệu chứng để nhận biết

☑️ Những phương pháp điều trị hiệu quả

👉 Đừng bỏ lỡ cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về tình trạng sức khỏe quan trọng này! Xem video tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=CFeLoLyJw6U

Đây là thông tin không thể thiếu giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình và những người thân yêu. 🌟🛌

👉 Chia sẻ video này để mọi người cùng được biết! Và đừng quên đăng ký kênh để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác về sức khỏe giấc ngủ!

-----------------------

PHÒNG KHÁM TẦM SOÁT GIẤC NGỦ SLEEPFI

SleepFi - Giấc ngủ khỏe cho cuộc sống trọn vẹn 💙

🏥 114 đường số 32, Tiểu khu 1, P. Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP HCM

⏰ Thứ 2 - Thứ 7 | 8h00-17h00

☎ Hotline: 0916 872 112

💌 This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

📈 Website: https://sleepfi.vn/

 

Ngày 29/3/2024, GS.TSKH. Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, Phó Trưởng Tiểu ban GDNN - Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL Việt Nam đã có bì tham luận về chủ đề: “Vai trò của Y học Giấc ngủ trong Phát triển Thể thao Thành tích cao: Thực trạng và Giải pháp tại tỉnh Bình Dương” tại Toạ đàm khoa học "Sơ kết 3 năm thực hiện đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn đến 2025 - Định hướng đến 2030".

 

Click here hoặc quét mã QR dưới để tải bài tham luận tại đây.

                         

--------------
Tác giả: TS. Nguyễn Duy Thái 
Trưởng VPĐD Hội Y học giấc ngủ khu vực phía Bắc tại Hà Nội
Phó Chủ tịch Liên Chi hội Y học cổ truyền - Y học giác ngủ Việt Nam

 

Ngày 19/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

 

Dự Phiên họp có các Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ; lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam.  

Nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Chiến lược

Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Bộ GDĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng Chiến lược.

Quang cảnh Phiên họp

Cụ thể, đã tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài cấp nhà nước cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược. Tổ chức thu thập số liệu, báo cáo có liên quan đến Chiến lược trong thời gian từ 2011-2020; tiến hành khảo sát trực tiếp tại 80 cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, UBND các cấp và các sở, ban, ngành liên quan đại diện cho các vùng miền trong cả nước.

Tổ chức đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tổ chức thực hiện Phân tích ngành giáo dục, hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự hỗ trợ kĩ thuật của Viện Lập kế hoạch Paris và tổ chức UNESCO; Kế hoạch phát triển giáo dục đại học với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Tổ chức xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, các cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan về dự thảo Chiến lược.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc báo cáo tại Phiên họp

Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo trực tiếp, trực tuyến tham vấn lấy ý kiến góp ý của các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, Uỷ viên Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên các cơ sở giáo dục trên cả nước về dự thảo Chiến lược.

Tổ chức hơn 100 cuộc tọa đàm, xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia thuộc tổ chức quốc tế tại Việt Nam như: UNESCO, UNICEF, ngân hàng thế giới, hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, VVOB, PLAN…

Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 gồm 5 phần: Quan điểm; Mục tiêu, Tầm nhìn đến năm 2045; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kinh phí thực hiện; Tổ chức thực hiện.

Chiến lược xác định 5 quan điểm với mục tiêu tổng quát là phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.

 Các đại biểu dự Phiên họp

Từ mục tiêu tổng quát, Chiến lược đã đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên đến năm 2025 và năm 2030.

Về tầm nhìn đến 2045, dự thảo Chiến lược xác định: Nền giáo dục Việt Nam phát triển hiện đại, kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, góp phần xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Cần sớm ban hành Chiến lược

Tại Phiên họp, các Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đại diện các Ban, Bộ, ngành, địa phương đã có những trao đổi góp ý đối với Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, tập trung vào quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và một số chỉ tiêu cụ thể đối với các bậc học đảm bảo phù hợp cho từng giai đoạn.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; quá trình xây dựng chiến lược tích hợp được nhiều nguồn đánh giá, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 sẽ sớm được ban hành để các bên tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại Phiên họp

             

GS. TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Phỏ Trưởng Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại Phiên họp

Trao đổi tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về quá trình xây dựng Chiến lược công phu và khó khăn trong gần 2 năm qua, trong đó Bộ GDĐT đã làm việc lấy ý kiến nhiều lần từ các Bộ, ngành về từng chỉ tiêu của Chiến lược. Bộ trưởng cũng đồng thời làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu đề cập, nêu ý kiến tại Phiên họp như hệ thống giáo dục mở, liên thông, phổ cập giáo dục, vấn đề đầu tư cho giáo dục…

Riêng về tỷ lệ phân luồng sau THCS, Bộ trưởng cho rằng, hiện chưa có căn cứ thuyết phục về tỷ lệ này. Theo Bộ trưởng, căn cứ của phân luồng, hướng nghiệp là dựa trên nhu cầu tự nguyện của học sinh, còn nhà nước phải đảm bảo 100% chỗ học nếu các cháu có nhu cầu. Do đó, cần giải toả cho các địa phương về tỷ lệ phân luồng, hướng nghiệp để đảm bảo đầu tư đủ trường học cho 100% học sinh.

Trước ý kiến cho rằng cần cụ thể hơn nữa về tầm nhìn phát triển giáo dục đến 2045, Bộ trưởng chia sẻ: Càng tầm nhìn xa càng không cụ thể được. Cần thống nhất những gì đã là trường tồn, bất biến của giáo dục và việc trang bị kiến thức nền tảng, khả năng thích ứng, điều chỉnh của học sinh đến năm 2045 mới là quan trọng. Đó chính là “lấy bất biến để ứng vạn biến trong giáo dục”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá quá trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 được thực hiện công phu, trong đó lồng ghép cùng với quá trình tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đã nhìn nhận được được kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, chỉ ra được những hạn chế, tồn tại của giai đoạn này.

Nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 29-NQ/TW là đúng đắn và cần kiên trì thực hiện đến cùng, Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh mới, Chiến lược có thể đưa thêm các quan điểm, mục tiêu nhưng phải kỹ lưỡng, tính toán. Do thời điểm đến năm 2025 chỉ còn một năm, vì vậy, Phó Thủ tướng thống nhất Chiến lược phát triển giáo dục sẽ xác định các mục tiêu đến năm 2030.

Để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại, xác định rõ những mục tiêu đã đạt được, chưa đạt được của giai đoạn trước, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, chọn lọc.

Việc đảm bảo phối hợp liên ngành dọc, ngang; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, vai trò quan lý nhà nước của Bộ GDĐT… trong tổ chức thực hiện Chiến lược cũng là những lưu ý của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

------------------------------------------
Tác giả: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện, Bộ GD & ĐT

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người vì hơn một phần ba cuộc đời mỗi người được dành cho giấc ngủ. Giấc ngủ giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bớt bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh truyền nhiễm. Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp cơ thể khỏe hơn, tinh thần minh mẫn và sáng suốt hơn khi thức giấc, giúp việc học tập, lao động, thi đấu thể thao hiệu quả và với hiệu suất và thành tích cao hơn. Đối với vận động viên thể thao, đặc biệt là cầu thủ bóng đá, thời gian ngủ cũng là lúc các hệ cơ quan trong cơ thể ở vào trạng thái nghỉ ngơi sau một ngày tập luyện và vận động và cũng là khoảng thời gian rất cần thiết để cơ thể chuẩn bị cho một tình trạng thể lực tốt nhất và sẵn sàng cho một ngày huấn luyện mới hoặc thi đấu đạt phong độ tốt nhất.

  1. Vai trò của Y học giấc ngủ trong thể thao thành tích cao

Y học giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người vì hơn một phần ba cuộc đời mỗi người được giành cho việc ngủ. Giấc ngủ giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp hệ cơ xương khớp khỏe hơn, tinh thần minh mẫn và sáng suốt hơn khi thức giấc, giúp việc học tập – lao động, luyện tập thể thao hiệu quả hơn và thi đấu với hiệu suất và thành tích cao hơn. Đối với vận động viên thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, thời gian ngủ cũng là lúc các hệ cơ quan trong cơ thể ở vào trạng thái nghỉ ngơi sau một ngày tập luyện và vận động ở mức độ cao; đây cũng là khoảng thời gian rất cần thiết để cơ thể chuẩn bị cho một tình trạng thể lực tốt nhất và sẵn sàng cho một ngày luyện tập mới hoặc thi đấu đạt thành tích cao nhất. Do vậy đòi hỏi vận động viên và cả huấn luyện viên phải được trang bị những kiến thức cần thiết về y học giấc ngủ và có đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành y học thể thao được trang bị kiến thức về y học giấc ngủ.

Tuy nhiên, dù rằng từ nhiều thập niên qua, ở các nước phát triển có nền y học thể thao tiên tiến đã có sự quan tâm cải thiện chất lượng giấc ngủ và chăm sóc sức khoẻ giấc ngủ cho vận động viên, đặc biệt là các vận động viên trọng điểm, vận động viên thành tích cao đã được liên đoàn thể thao các quốc gia quan tâm và đưa vào trong các chương trình kiểm soát sức khoẻ, chương trình theo dõi thành tích cao, chương trình dự phòng chấn thương và hệ thống phát triển nguồn vận động viên từ ươm mầm tài năng trẻ tuổi; các nước đang hội nhập và chưa phát triển và cụ thể là tại Việt Nam, vai trò của y học giấc ngủ trong phát triển thể thao thành tích cao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Những bằng chứng khoa học được công bố từ các nghiên cứu của Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ và các nước châu Âu về mối liên quan giữa giấc ngủ và chất lượng thi đấu thành tích cao của vận động viên đã khẳng định vai trò rất quan trọng của sức khoẻ giấc ngủ nhằm duy trì giấc ngủ chất lượng tốt, hiệu suất giấc ngủ tối ưu trong việc cải thiện – đạt và duy trì thành tích cao, trong việc làm giảm nguy cơ chấn thương trong luyện tập và thi đấu, giúp điều chỉnh theo hướng tích cực hành vi và thái độ chuẩn mực của vận động viên khi tham gia thi đấu ở những môn thể thao có tính đối kháng và tính tập thể cao như bóng chuyền, bóng đá, đua thuyền, chạy tiếp sức và các môn thi đấu đồng đội.

GS.TSKH.Dương Quý Sỹ và Lãnh đạo Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam thăm trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và nhận quà “Quả bóng Tuyển Bóng đá Việt Nam Vô địch AFF Cúp 2018”. 

  1. Vai trò của sức khoẻ giấc ngủ đối với thể thao thành tích cao

Để luyện tập và thi đấu đạt hiệu suất cao nhất, vận động viên thành tích cao phải chuẩn bị toàn diện về các mặt sức khỏe thể chất, tinh thần và cân bằng về cảm xúc. Đặc biệt chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ có tác động rất quan trọng đến sự phát triển thể chất của các vận động viên nhỏ tuổi, vận động viên trẻ và thậm chí các vận động viên trên 18 tuổi. Do vậy, các vận động viên thành tích cao, ngoài việc phải duy trì chế độ luyện tập thường xuyên theo giáo án của ban huấn luyện, cần phải bảo đảm một chế độ ăn khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng và đặc biệt nhất là phải giành đủ thời gian để nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và ngủ đúng giờ – ngủ đủ giấc. Khi ngủ không bảo đảm thời gian tối thiểu, hoặc không đúng với nhịp sinh học như là bị lệch múi giờ (jet-lag) do phải luyện tập hoặc thi đấu ở các quốc gia khác không cùng một kinh tuyến với Việt Nam, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì hiệu suất thi đấu thành tích cao của từng cá nhân và của tập thể sẽ bị ảnh hưởng.

Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp cho hệ thần kinh, hệ hô hấp – tim mạch, hệ vận động – cơ xương khớp và hệ thống chuyển hoá – bài tiết của vận động viên, nhất là vận động viên thành tích cao được nghỉ ngơi, hồi phục, thực hiện chức năng sinh lý đúng nhịp sinh học sau một ngày luyện tập hoặc thi đấu với cường độ cao, giúp cơ thể tái sinh các tế bào khỏe mạnh và các tổ chức cơ xương khớp bị các chấn thương mức độ vi thể được sửa chữa và làm lành. Ngoài ra, giấc ngủ chất lượng tốt còn giúp vận động viên tăng cường khả năng ghi nhớ, tích lũy kiến thức được huấn luyện, phát triển những kỹ thuật tinh vi và phức tạp. Bên cạnh đó, sức khoẻ giấc ngủ tốt với biểu hiện bằng một giấc ngủ chất lượng tốt cũng giúp cho việc điều hòa – cân bằng trạng thái tinh thần và cảm xúc, giúp tránh các rối loạn cảm xúc lo âu, căng thẳng và trầm uất. Y học giấc ngủ cũng đã chứng minh rằng giấc ngủ ngon giúp vận động viên luôn lưu giữ được những cảm xúc và ký ức đẹp trong luyện tập và thi đấu, giúp xóa đi những hình ảnh và cảm xúc tiêu cựcDo vậy, sức khoẻ giấc ngủ tốt sẽ giúp các vận động viên thành tích cao thuận lợi hơn trong việc luyện tập hoặc học tập các kỹ năng mới, giúp làm tăng khả năng tư duy sáng tạo và đồng cảm, kiến tạo ký ức tốt đẹp và sẽ góp phần cải thiện thành tích cao trong thi đấu.

Nếu sức khoẻ giấc ngủ không tốt, giấc ngủ không bảo đảm thời gian hoặc chất lượng giấc ngủ kém thì sự hình thành năng lực giúp cho sự học hỏi và ghi nhớ – thực hiện đúng và chính xác sẽ không thể được duy trì bền vững, làm tăng nguy cơ bị chấn thương trong luyện tập và thi đấu. Đặc biệt là mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến sự suy giảm về nhận thức và có thể gây ra những tác động bất lợi đối với các vận động viên khi bị đặt vào tình huống đòi hỏi sự tập trung cao độ của tư duy, sự nhạy bén của phản xạ và khả năng suy đoán ở mức độ cao như là khi đưa ra quyết định quan trọng trong thi đấu, khi cần xử lý chính xác các tình huống kỹ thuật cao.

Ngoài ra, giấc ngủ chất lượng tốt cũng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần – tâm sinh lý của vận động viên nói chung và vận động viên thành tích cao nói riêng. Giấc ngủ ngon và chất lượng tốt sẽ giúp làm tăng các suy nghĩ – cảm xúc tích cực, giúp ngăn ngừa những buồn phiền – lo lắng không đáng có trong hoạt động thường ngày khi luyện tập hay thi đấu, giúp hạn chế việc thiếu kiềm chế hay dễ bị kích động trong các tình huống thi đấu đối kháng dễ gây va chạm trong thi đấu thành tích cao ở một số môn thể thao.

  1. Vai trò của sức khoẻ giấc ngủ trong luyện tập và thi đấu thành tích cao

Y học giấc ngủ đã chứng minh việc tăng thời gian ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ ở vận động viên, nhất là vận động viên thành tích cao có liên quan đến việc cải thiện hiệu suất và thành tích trong thi đấu. Thêm vào đó, sức khoẻ giấc ngủ tốt còn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ chấn thương của vận động viên và do vậy sẽ làm tăng hiệu suất thi đấu thông qua việc tăng cường tần suất và cường độ tham gia luyện tập và thi đấu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tăng thời gian ngủ của các vận động viên sẽ giúp họ thi đấu ở phong độ cao nhất và đạt thành tích tốt nhất. Ngược lại, chất lượng lượng giấc ngủ kém hoặc thiếu ngủ sẽ làm cho vận động viên thành tích cao giảm khả năng tập trung, giảm những phản xạ nhanh nhạy – chính xác và giảm khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt, chiến lược hợp lý khi thực hiện các tình huống thi đấu của vận động viên.

Do vậy rất đáng lo ngại khi các vận động viên thành tích cao không được hướng dẫn và trang bị kiến thức về thực hành tốt cho sức khoẻ giấc ngủ, không tuân thủ việc ngủ đủ giấc, chưa quan tâm đến việc thực hiện vệ sinh giấc ngủ. Thiếu ngủ sẽ làm cho các vận động viên giảm động lực thi đấu vì tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, căng cứng cơ bắp xảy ra thường xuyên hơn và do vậy làm giảm khả năng thực hiện tốt các yêu cầu của thể thao thành tích cao. Thiếu ngủ sẽ làm cho vận động viên mau chóng bị kiệt sức hơn, nhất là khi thi đấu trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như quá lạnh hay quá nóng, ở độ cao. Thiếu ngủ cũng sẽ làm giảm khả năng thực hiện các động tác kỹ thuật phức tạp và cần độ chính xác cao trong các môn thể thao như thể dục dụng cụ, võ thuật, bắn súng … so với tình trạng ngủ ngon và đủ giấc. Trong các môn thể thao thành tích cao mang tính đối kháng, vận động viên bị thiếu ngủ hay chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ có những phản xạ hay những phản ứng tình huống kém chuẩn xác và chậm hơn.

Nguy cơ bị chấn thương trong luyện tập và thi đấu ở vận động viên thành tích cao bị rối loạn giấc ngủ (ngủ ngáy – ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, rối loạn cận giấc ngủ) hoặc thiếu ngủ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu đã được công bố trong thời gian qua. Kết quả các nghiên cứu đã cho thấy rằng tình trạng thiếu ngủ mãn tính làm gia tăng có ý nghĩa tỷ lệ chấn thương của vận động viên thành tích cao trong luyện tập và trong thi đấu. Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm gia tăng tổn thương và sang chấn của hệ cơ xương khớp của vận động viên. Thật vậy, nguy cơ và tỷ lệ bị chấn thương trong luyện tập và thi đấu của vận động viên thành tích cao có liên quan mật thiết đến cường độ tập luyện quá mức và thời gian ngủ không đủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém. Thiếu ngủ cấp tính hay mãn tính đều làm gia tăng sự thiếu chuẩn xác và thiếu tập trung hơn khi thực hiện các động tác kỹ thuật cao và do vậy vận động viên dễ bị chấn thương trong luyện  tập và thi đấu.

  1. Một số phương pháp giúp vận động viên thành tích cao bảo đảm sức khoẻ giấc ngủ tốt

4.1. Tuân thủ việc thực hiện vệ sinh giấc ngủ

Vận động viên cần phải được trang bị kiến thức cơ bản và tuân thủ một chế độ vệ sinh giấc ngủ nghiêm ngặt và khoa học phù hợp với điều kiện tập luyện và thi đấu. Các cấu phần chung của việc vệ sinh giấc ngủ bao gồm việc tránh uống rượu, cà phê tối thiểu 6 giờ trước khi đi ngủ, vì đây là những thức uống có chất nồng độ cồn cao làm gián đoạn giấc ngủ hoặc làm cho giấc ngủ dễ bị xáo trộn hơn; đặc biệt chất caffein sẽ làm tăng sự tỉnh táo và kéo dài thời gian đi vào giấc ngủ nông và sâu (tiềm thời giấc ngủ); tránh thói quen hút thuốc lá trước khi đi ngủ và nên bỏ thuốc lá.

Tránh thói quen sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc chơi các game điện tử sau 20 giờ vì cường độ ánh sáng xanh trên các thiết bị này sẽ tác động trực tiếp vào võng mạc gây ức chế sự bài tiết melatonine, đây là một loại hormone sinh học do tuyến tùng tiết ra gây buồn ngủ và giúp đi vào giấc ngủ sâu. Ngoài ra melatonine còn giúp tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử trong một thời gian dài vào buổi tối sẽ làm cho các vận động viên bị thay đổi nhịp sinh học và trở nên có thói quen ngủ muộn và dậy muộn (giấc ngủ lệch pha muộn); đây là một giấc ngủ gây mệt mỏi khi thức giấc và làm cho vận động viên thành tích cao luôn có cảm giác bị thiếu ngủ.

4.2. Thực hiện các kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

Để có một giấc ngủ sâu và chất lượng giấc ngủ tốt, các vận động viên thành tích cao cần phải được tư vấn hướng dẫn các kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ như là duy trì thói quen thư giãn trước khi đi ngủ bằng các hoạt động như đọc sách, tắm nước ấm, tập thở theo phương pháp yoga hoặc thiền. Đây là những hoạt động rất tốt để có thể tạo ra một giấc ngủ ngon sau một ngày luyện tập hoặc thi đấu với cường độ cao.

Khi vận động viên có thời gian đi vào giấc ngủ (tiềm thời giấc ngủ) kéo dài thì cần lưu ý không nên nằm trên giường đợi giấc ngủ đến mà cần phải chủ động ra khỏi giường nếu không thể ngủ được sau 20 – 30 phút, cố gắng dỗ giấc ngủ bằng cách thực hiện một số hoạt động nhẹ nhàng, yên tĩnh trong một không gian khác cho đến khi cảm thấy buồn ngủ thì mới quay lại giường. Mỗi cầu thủ cần tạo cho mình một môi trường và không gian trong phòng ngủ thích hợp như là chỉ sử dụng ánh sáng nhẹ của đèn ngủ trong phòng, phòng ngủ phải mát mẻ và yên tỉnh, trang phục phù hợp, trời lạnh nên mang vớ giử ấm.

4.3. Duy trì một chế độ luyện tập và thi đấu hợp lý – khoa học

Để có một sức khoẻ giấc ngủ tốt và có một giấc ngủ ngon, vận động viên thành tích cao cần tránh việc tập luyện quá mức gây kiệt sức về thể lực và căng dãn quá mức của hệ cơ gây ra các vi chấn thương làm đau nhức xương khớp – cơ bắp và khó đi vào giấc ngủ và khó có giấc ngủ sâu. Ngoại trừ những lý do khách quan trong lịch trình thi đấu, vận động viên và ban huấn luyện cần tránh tối đa việc tập luyện hoặc thi đấu với thời gian biểu quá sớm hoặc quá muộn trong ngày vì điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học vả giấc ngủ sinh lý.

Ở những vùng có khí hậu nhiệt đới, duy trì một giấc ngủ trưa khoảng 20 phút sẽ rất tốt cho vận động viên, vì giúp cho việc tập luyện và thi đấu vào buổi chiều sẽ hiệu quả hơn và cải thiện tình trạng mệt mỏi sau thời gian tập luyện buổi sáng. Bên cạnh đó, vận động viên thành tích cao cần tránh tối đa các yếu tố hay tác nhân gây căng thẳng tinh thần quá mức trong quá trình tập luyện hay nghỉ ngơi vì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

4.4. Thích nghi sớm với việc lệch múi giờ (jet-lag)

Một yếu tố khách quan thường là nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp sinh học của giấc ngủ ở vận động viên và ban huấn luyện đó là tình trạng lệch múi giờ (jet-lag) khi phải tập luyện và thi đấu tại các quốc gia khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho vận động viên và ban huấn luyện luôn có cảm giác mệt mỏi sau những chặng đường di chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến hiệu suất thi đấu, nhất là khi tham gia các giải đấu quốc tế.

Do vậy trước mỗi chuyến đi sang các quốc gia khác luyện tập – thi đấu, ban huấn luyện và vận động viên cần phải căn cứ vào múi giờ chênh lệch giữa hai quốc gia để điều chỉnh nhịp sinh hoạt tiệm cận với giờ giấc sinh hoạt, bữa ăn và thời gian ngủ nơi sắp đến. Đặc biệt ngay khi lên máy bay thì cần phải điều chỉnh đồng hồ theo thời gian hiện hữu của nơi đến. Ngoài ra trong suốt chuyến bay đường dài cần phải duy trì nhịp sinh hoạt và giấc ngủ đúng nhịp sinh học với thời gian của nơi sắp đến; điều này giúp vận động viên và ban huấn luyện có thể hội nhập ngay với thời gian biểu của nơi đến ngay khi máy bay hạ cánh.

  1. Các giải pháp chính sách phát triển y học giấc ngủ trong chăm sóc sức khoẻ toàn diện vận động viên thành tích cao

5.1. Cần thực hiện các đánh giá khoa học khách quan, đầy đù về thực trạng sức khoẻ giấc ngủ trong vận động viên thành tích cao

Đây là cơ sở khoa học giúp thu thập số liệu về những rối loạn giấc ngủ, tình trạng thiếu ngủ, thiếu vệ sinh giấc ngủ vì không tuân thủ tránh các hành vi có hại cho giấc ngủ tốt, chất lượng giấc ngủ. Theo thống kê nghiên cứu, có khoảng trên 8,5% người Việt Nam trên 18 tuổi bị rối loạn thở trong khi ngủ (ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ), gây mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày; trên 25% lứa tuổi này và nhỏ hơn bị thiếu ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, các đơn vị chức năng về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thể dục thể thao, y tế, khoa học công nghệ cần đưa nhiệm vụ khoa học đánh giá thực trạng sức khoẻ của vận động viên, đặc biệt vận động viên thành tích cao vào các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện.

5.2. Nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ toàn diện, sức khoẻ giấc ngủ cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ cho vận động viên thành tích cao

Đây là một trong những yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao tại Việt Nam theo tiêu chí “Sức khoẻ giấc ngủ là nền tảng thành tích cao”. Hiện nay, đội ngủ cán bộ y tế địa phương và tại các cơ sở thể dục thể thao nói ching và thể thao thành tích cao nói riêng chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về y học giấc ngủ, chưa thấy được vai trò và tầm quan trọng của sức khoẻ giấc ngủ với chất lượng luyện tập – thi đấu và thành tích cao. Do vậy các cơ quan chủ quản chuyên ngành cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo cấp chứng chỉ năng lực y học giấc ngủ cho cán bộ y tế chuyên trách phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho vận động viên thành tích cao thông qua các chương trình đào tạo của Hội Y học giấc ngủ Việt Nam và các hội thảo chuyên đề của quốc gia và khu vực và quốc tế.

GS.TSKH. Dương Quý Sỹ và Lãnh đạo Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, ký biên bản ghi nhớ sự hợp tác giữa Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam và Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam (Hà Nội, tháng 7/2022).

5.3. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích, đánh giá mối tương quan đặc thù giữa các thông số về sức khoẻ giấc ngủ với các chỉ số luyện tập và thành tích

Thực hiện hiện nay cho thấy dù rằng một số địa phương rất phát triển về kinh tế – xã hội và ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động thông tin truyền thông, dịch vụ hành chính công, là đô thị thông minh ngang tầm các nước phát triển trong khu vực, nhưng việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) vào vấn đề chăm sóc sức khoẻ và sức khoẻ giấc ngủ dựa trên việc “học máy – học sâu” (machine learning, deep learning) và phân tích “dữ liệu lớn” (big data) vẫn còn đang bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.

Chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khoẻ giấc ngủ cho vận động viên thành tích cao hiện nay trở nên dễ dàng và khả thi hơn vì các thiết bị thông minh có khả năng thu thập các dữ liệu trực tuyến và trực tiếp thông qua các nguyên lý thăm dò không xâm lấn tích hợp trong các đồng hồ đeo tay, vòng đeo, gối ngủ thông minh, giường thông minh… dựa trên nguyên lý cử động ký, sóng âm, điện từ trường, sóng điện não chức năng và các hằng số nhịp sinh học.

Trên cơ sở “học sâu” các thiết bị trí thông minh nhân tạo giúp cá thể hoá các đặc điểm và yêu cầu sức khoẻ giấc ngủ đặc thù cho từng loại hình vận động viên thành tích cao phù hợp với lứa tuổi, cường độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng, lên phương án luyện tập phù hợp dựa trên các dữ liệu sức khoẻ toàn thân của các hệ thống cơ quan và sức khoẻ giấc ngủ; đưa ra những khuyến cáo giúp tránh chấn thương trong luyện tập và thi đấu thành tích cao.

5.4. Xây dựng chiến lược phát triển y học giấc ngủ cá thể hoá cho vận động viên thành tích cao và trang bị kỹ năng, kiến thức và phương tiện cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ

Đây là yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển y học giấc ngủ, thực hiện mục tiêu “Sức khoẻ giấc ngủ tốt tránh chấn thương và nâng cao thành tích”. Do vậy tại Việt Nam, cần phải xây dựng các đơn vị chuyên sâu về chăm sóc sức khoẻ giấc ngủ cho vận động viên thành tích cao thông qua việc thành lập các “Trung tâm chăm sóc giấc ngủ” cho nhân dân nói chung và đặc thù cho thể dục thể thao nói riêng. Đây là các cơ sở chuyên sâu về y học giấc ngủ được tranh bị các trang thiết bị hiện đại, chuyên dụng giúp kháo sát, đánh giá sức khoẻ giấc ngủ định kỳ cho vận động viên, xây dựng các chương trình tư vấn và các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm sức khoẻ cho vận động viên ở mức cao nhất và nhằm đạt thành tích tốt nhất. Đây cũng là tiền đề cho việc thành lập “Viện Y học giấc ngủ ứng dụng trong thể thao thành tích cao” nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo huấn luyện, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ chuyên ngành về sức khoẻ giấc ngủ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng và cập nhật những thành quả nghiên cứu khoa học, trí tuệ nhân tạo trong phát triển toàn diện vận động viên thành tích cao về thể chất, trí tuệ cảm xúc, năng lực chuyên môn, phẩm chất văn hoá thể thao chuyên ngành dựa trên các nguyên lý y học thể thao, y học giấc ngủ thông qua một chương trình cá thể hoá về dinh dưỡng, vận động, kỹ năng – kỹ thuật đặc thù trong luyện tập và thi đấu đạt thành tích tốt nhất cho địa phương Bình Dương và cho quốc gia.

  1. Kết luận

Y học giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm khả năng luyện tập và đạt được kết quả thi đấu tốt ở vận động viên thành tích cao. Bên cạnh các vấn đề sức khoẻ liên quan đến y học thể thao, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, luôn duy trì phương pháp luyện tập “tích cực – hiện đại – khoa học”, kết hợp với sức khoẻ giấc ngủ tốt sẽ giúp cho vận động viên thành tích cao phát huy được năng lực để đạt được những kết quả tốt nhất. Sự quan tâm và đưa y học giấc ngủ vào phối hợp với y học thể thao, y học cá thể hoá, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong luyện tập và thi đấu, kết hợp với những tố chất đặc biệt của vận động viên thành tích cao sẽ giúp cho hệ thống thể thao đỉnh cao của Việt Nam sẽ đạt được bước phát triển vượt bậc.

Do vậy các học viện thể thao quốc gia cần phải bổ sung những nội dung cơ bản về y học giấc ngủ trong đào tạo; các đơn vị đào tạo – huấn luyện cần phải đặt nhiệm vụ bảo đảm sức khoẻ giấc ngủ tối ưu cho vận động viên thành tích cao lên hàng đầu bên cạnh các vấn đề về dinh dưỡng hợp lý, chương trình luyện tập khoa học nhằm bảo đảm cho vận động viên đạt được thành tích tốt nhất. Các địa phương cần phải tiên phong trong việc xây dựng chiến lược “Sức khoẻ giấc ngủ tốt cho vận động viên thành tích cao”, phối hợp với cơ quan chuyên môn quốc gia là Bộ Y tế, Hội Y học giấc ngủ Việt Nam thành lập các “Viện y học giấc ngủ – Y học thể thao thành tích cao”, đây là một trong những đột phá mang tính chiến lược trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn đến năm 2030, giúp gắn kết y học thể thao, y học giấc ngủ, kết hợp với đánh giá chất lượng giấc ngủ định kỳ, tích hợp trong một chương trình huấn luyện khoa học và tiên tiến là rất quan trọng, vì “ Giấc ngủ tốt là tối cần thiết để đạt thành tích cao ”./.

----------------------------------------------------
Tác giả: GS.TSKH. Dương Quý Sỹ - Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam
Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL Việt Nam. Phó Trưởng Tiểu ban GDNN

Trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI: artificial intelligence) trong lĩnh vực y học là rất cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe. Trí tuệ nhân tạo hiện nay đã được bắt đầu triển khai trong các hoạt động y học từ y học dự phòng, đến y học lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị một số vấn đề sức khỏe ở một số nước có nền khoa học công nghệ và y học tiên tiến. Tuy nhiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y học vẫn đang còn là  trong giai đoạn bình minh ở các nước chưa và đang phát triển. Do vậy những kiến thức phổ quát về nguồn gốc, nguyên lý hoạt động và vai trò ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y học là rất cần thiết.

Nguồn gốc ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học

Alan Turing và Marvin Lee Minsky là những nhà khoa học tiên phong đưa ra khái niệm về trí tuệ nhân tạo – AI; đặc biệt Alan Turing vừa là nhà khoa học và cũng vừa là chuyên gia về mật mã học của Vương Quốc Anh trong Thế chiến thứ 2; ông là người đã thử nghiệm và đặt nền tảng cho việc sử dụng các thuật toán máy tính thay cho quyết định của con người cách nay nhiều thập niên dưới tên gọi là trí tuệ nhân tạo hay AI.

Về mặt nguyên lý, trí tuệ nhân tạo cấp độ thấp được ứng dụng ban đầu trong y học chỉ có thể thực hiện các công việc cụ thể đã được thiết lập như là phân biệt hình ảnh bình thường hay bất thường trên các thăm dò hình ảnh học hay chức năng mà chưa đưa ra được một chẩn đoán xác định và chưa đề xuất được các phương thức điều trị thích hợp. Tuy nhiên, khả năng chẩn đoán và điều trị của trí tuệ nhân tạo (có thể được hình tượng hoá dưới tên gọi là “bác sĩ AI – bác sĩ trí tuệ nhân tạo” trong bài viết này) luôn được hoàn thiện nhờ vào khả năng học máy (machine learning). “Bác sĩ AI” có khả năng học tập từ các nguồn dữ liệu phong phú được chọn lọc theo lập trình hoá và có khả năng chuẩn hóa các thông số nhằm loại trừ các sai sót để tự hoàn thiện năng lực chẩn đoán và điều trị tối ưu.

Vai trò của các bác sĩ chuyên gia, được hình tượng hoá dưới tên gọi là “bác sĩ con người” trong bài viết này, để phân biệt với “bác sĩ trí tuệ nhân tạo”, sẽ là làm chủ các bác sĩ AI thông qua việc giám sát quá trình chọn các dữ liệu nguồn cho việc tự học của AI và năng lực xử lý tình huống. Với khả năng chọn lọc và tổng hợp kiến thức chuyên ngành y học từ nguồn cơ sở dữ liệu hàng tỷ byte, “bác sĩ AI” có thể đưa đưa ra chẩn đoán cho những trường hợp bệnh lý hiếm gặp và phức tạp dựa trên cơ sở tự phân tích các dữ liệu đa nguồn, đa chiều về hình ảnh học, mô bệnh học, các dữ liệu sinh hóa, miễn bệnh học, triệu chứng học tích hợp từ quá trình tự học và khả năng tổng hợp – phân tích các tình huống tương tự đã được công bố trên toàn cầu.

Nguyên lý ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học

Về nguyên lý, khả năng “học máy” và “học sâu” (deep learning) của hệ thống trí tuệ nhân tạo là vô hạn. Kể từ thập niên 1960, sau khi thuật ngữ trí tuệ nhân tạo được đưa ra, khả năng tự học của các chương trình AI được phát triển dựa trên nguyên lý kết nối của AI thông qua hệ thống các mạng lưới thần kinh điện tử gồm nhiều lớp tương tự như cấu trúc bộ não con người nhưng với tốc độ, khả năng xử lý và tổng hợp thông tin gấp hàng tỷ lần não bộ con người; với độ chính xác hoàn hảo như là các sản phẩm là bác sĩ phẫu thuật AI, hay gần như tối ưu với các sản phẩm bác sĩ AI hình ảnh học, bác sĩ AI ung thư học, hoặc các AI chuyên về thần kinh và tâm lý học.

Về nguồn gốc ban đầu, lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo trong y học được bắt đầu với những AI có tên gọi «Perceptron», được phát triển bởi các nhà tâm thần học và các chuyên gia công nghệ thông tin của Viện đại học Cornell – Hoa Kỳ, nhằm giúp chẩn đoán các hình ảnh bất thường trên chụp cắt lớp vi tính (CT scanner). Kể từ thời điểm đó cho đến nay, các AI ứng dụng trong y học đã được phát triển hoàn thiện hơn; đặc biệt nhất là kể từ sau thành công vang dội của trí tuệ nhân tạo “Deep Blue” chiến thắng nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kimovich Kasparov vào năm 1997. Mãi cho đến những thập niên thập niên 2010 – 2020, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ «học sâu» đã góp phần đưa trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực ứng dụng khác nhau của đời sống con người, trong giáo dục và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, một lĩnh vực chuyên ngành qua trọng thường xảy ra các sai sót, các sự cố y khoa liên quan trực tiếp đến năng lực chẩn đoán và điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.

Với tốc độ phát triển hiện nay của khoa học công nghệ, sự phổ biến của các thế hệ máy tính lượng tử trong tương lai rất gần trong một thập kỷ tới, sẽ góp phần làm gia tăng sức mạnh vượt trội của các “bác sĩ AI” (bác sĩ điện toán), sẽ giúp cho việc giải quyết các vấn đề sức khỏe vượt khỏi năng lực giới hạn của “bác sĩ con người” một cách dẽ dàng hơn. Tuy nhiên cũng vẫn có khoảng cách đáng kể giữa “bác sĩ trí tuệ nhân tạo” trong tương lai trong việc hình thành các năng lực về «đồng cảm» và «trí tưởng tượng sáng tạo» so với “bác sĩ con người”, vì đây là những thuộc tính năng lực đặc thù chỉ có của “bác sĩ con người”.

Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong y học dự phòng

Việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn (big data), AI trong lĩnh vực y học dự phòng và dịch tễ học của các vấn đề sức khỏe trở nên có vai trò rất quan trọng và cũng đã không ngừng phát triển từ nhiều thập niên qua. Thật vậy, dựa vào nền tảng việc phân tích dữ liệu mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ, các điều kiện kinh tế – xã hội, trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán được xác suất xuất hiện các bệnh lý khác nhau như ung thư, đái tháo đường, béo phì. Đặc biệt là AI có thể dự đoán sự xuất hiện của các bệnh lý liên quan đến yếu tố môi trường, hoàn cảnh xuất hiện, sự lan rộng bệnh tật, thậm chí cả đối với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và các biến thể khác nhằm đưa ra các giải pháp giúp kiểm soát tốt sự lan rộng và các biện pháp dự phòng hiệu quả.

Về nguyên lý, AI ứng dụng trong y học dự phòng và dịch tễ học có khả năng tổng hợp hàng tỉ thông tin về sự xuất hiện bệnh lý, các triệu chứng bất thường được công bố trên toàn cầu và các dữ liệu hình ảnh từ các hệ thống vệ tinh định vị như Google Map, các thông tin về dự báo khí tượng toàn cầu và khả năng tự học sâu (self-deep learning) để có thể đưa ra những dự báo về sự xuất hiện và lan rộng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm mùa, dịch tả và các bệnh lý liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, thậm chí cả nguy cơ về khủng bố sinh học. Điển hình là các hệ thống AI đang được vận hành hiện nay như là hệ thống thông tin y tế MedISys (châu Âu), mạng lưới thông minh sức khỏe cộng đồng toàn cầu GPHIN (Canada), hoặc hệ thống phát hiện vấn đề dịch tễ SENTINEL.

Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh

Trí tuệ nhân tạo với khả năng “tự học sâu” có thể được ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau trong chẩn đoán bệnh học và chẩn đoán lâm sàng cho người bệnh. Những công bố đầu tiên về ứng dụng AI trong chẩn đoán biến chứng võng mạc do đái tháo đường nhờ vào hệ thống CNN vào năm 2016, đã cho thấy khả năng chẩn đoán chính xác của “bác sĩ AI nhãn khoa” cao hơn các bác sĩ chuyên khoa mắt rất nhiều.

Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh học, dựa trên cơ sở dữ liệu hình ảnh thu thập được từ các hệ thống PACS, CXR14, MIMIC-CXR và một số hệ thống chẩn đoán hình ảnh trí tuệ nhân tạo đã được phát triển trong vòng vài năm qua (CheXnet, Đại học Stanford)…đã giúp cho việc chẩn đoán bệnh lý của “bác sĩ AI hình ảnh học” chính xác hơn các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh trong các bệnh lý lồng ngực khác nhau như viêm phổi, tràn dịch màn phổi, tràn khí màng phổi, u phổi, ung thư phổi…. Bác sĩ AI hình ảnh học còn được ứng dụng rộng rãi trong siêu âm chẩn đoán ung thư gan, bệnh lý tụy  tạng, trong chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý mạch máu não, bệnh thoái hóa não (Alzheimer), bệnh động kinh, các bệnh lý về tự kỷ hay hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em.

Một trong những lĩnh vực chẩn đoán chuyên ngành còn kém phát triển ở các nước nghèo và các nước đang phát triển đó là chẩn đoán bệnh từ các mô bệnh phẩm (chẩn đoán giải phẫu bệnh). Việc thiếu các phương tiện chẩn đoán tiên tiến và các bác sĩ chuyên khoa (“bác sĩ con người”) đã làm cho  vai trò của các “bác sĩ AI giải phẫu bệnh học” càng trở nên quan trọng và hữu ích. Với khả năng “tự học sâu” của bác sĩ AI dựa trên nguồn cơ sở “dữ liệu lớn” đã tạo nên một năng lực vượt trội của “bác sĩ AI” mà “bác sĩ con người” không thể vượt qua được trong gia đoạn hiện nay và trở cách xa hơn trong tương lai cận kề. Do vậy, các “bác sĩ trí tuệ nhân tạo” hiện nay cũng đã được các nước tiên tiến triển khai ứng dụng chẩn đoán các bệnh da liễu, bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, tiết niệu, nội tiết, y học giấc ngủ…Mỗi năm, hàng trăm hệ thống AI tích hợp trong các thiết bị chẩn đoán đã được thương mại hóa trên toàn cầu. Đặc biệt là vào đầu năm 2023, sản phẩm vòng đeo đầu thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp hỗ trợ giấc ngủ (FRENZ) được phát triển bởi Công ty Công nghệ Earable® Neuroscience, dưới sự cố vấn chuyên gia của tác giả bài viết – GS.TSKH. Dương Quý Sỹ, đã giành giải thưởng danh giá CES Innovation Awards do Hội đồng Chuyên gia Toàn cầu Hiệp hội Người tiêu dùng Công nghệ Mỹ bình chọn.

GS. TSKH. Dương Quý Sỹ – Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, nhận thư cám ơn từ GS. Vũ Ngọc Tâm – CEO Công ty Earable®Neuroscience, do những đóng góp quan trọng cho sự phát triển sản phẩm AI hỗ trợ giấc ngủ.

GS. TSKH. Dương Quý Sỹ – Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam nhận quà lưu niệm từ PGS.TS. Mai Anh Tuấn – Chuyên gia công nghệ sóng âm, với những đóng góp quan trọng phát triển công nghệ AI – Gối ngủ thông minh.

Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong điều trị bệnh lý

Bác sĩ trí tuệ nhân tạo (“bác sĩ AI”) hiện nay đang được triển khai và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của điều trị chuyên ngành và nhất là điều trị chuyên sâu. Trong lĩnh vực điều trị các bệnh ung thư, việc điều trị theo y học hiện đại dựa trên hoá trị sinh học, xạ trị đích và can thiệp phẫu thuật sớm. Trong đó xạ trị là một phương thức điều trị rất phức tạp vì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố giải phẫu học tổn thương, giai đoạn tiến triển của ung thư, tình trạng người bệnh; đặc biệt là cần có được những thông tin chính xác về hình ảnh học (CT scan, MRI, PET scan, xạ hình…), về hoá mô miễn dịch bệnh phẩm sinh thiết và đặc điểm lâm sàng – cận lâm sàng của người bệnh. Dựa trên những thông tin đầy đủ và chính xác này, “bác sĩ AI ung thư học” có thể tự động lập trình hoá các phác đồ điều trị cụ thể và chuyên biệt cho từng bệnh nhân một cách chuẩn xác về liều xạ trị và vùng xạ trị, tránh được tổn thương những cơ quan cận kề với liều xạ trị ở mức tối ưu (liều thấp – hiệu quả cao). Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực xạ trị ung thư được áp dụng hiện nay ở một số nước tiên tiến trong điều trị ung thư não, ung thư phổi, ung thư các tạng trong ổ bụng, ung thư tiền liệt tuyến. Bên cạnh “bác sĩ AI xạ trị”, một số bệnh viện lớn tại Mỹ, Hàn Quốc, Đức đã triển khai “bác sĩ AI hoá trị ung thư”, dựa trên sự cập nhật liên tục mỗi phần trăm giây và khả năng “tự học sâu” thường trực những phác đồ hoá trị ung thư tiên tiên nhất và phù hợp với tình trạng người bệnh, đã cho những kết quả rất ưu việt.

Trong lĩnh vực ngoại khoa, hiện nay các “robot trí tuệ nhân tạo” (robot AI) đã được phát triển và có khả năng thực hiện các can thiệp phẫu thuật phức tạp với độ chính xác cao gấp nhiều lần các phẫu thuật viên và có khả năng xử lí các tình huống tai biến đã được lập trình hoá thông qua việc “học máy & học sâu” dưới sự hỗ trợ các dụng cụ phẫu thuật hiện đại qua hệ thống video – camera 3D, phổ sóng âm phẫu trường, chip cảm biến nano ngoại sinh theo dõi sự thay đổi tuần hoàn vi mạch, dao laser, các thiết bị quang học tích hợp laser chấm lượng tử keo… Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật ngoại khoa còn giúp đưa ra các phương án can thiệp tối ưu cho bác sĩ phẫu thuật, đặc biệt là cho các bác sĩ phẫu thuật qua nội soi, phẫu thuật ghép tạng và các bệnh lý bẩm sinh về tim mạch.

Hiện nay, các “robot AI” đang được phát triển ở mức can thiệp tối ưu giúp tạo niềm tin hơn cho người bệnh và an tâm khi được các bác sĩ AI phẫu thuật viên tiến hành can thiệp dưới sự phối hợp, hỗ trợ và giám sát của phẫu thuật viên con người”. Điều đặc biệt là “bác sĩ AI” khi tiến hành phẫu thuật không bị mắc phải các sai sót của “bác sĩ con người” luôn bị chi phối bởi tâm trạng và cảm xúc cá nhân trong khi tiến hành phẫu thuật, sự mất tập trung và thậm chí là sự thiếu chính xác khi thực hiện các động tác phẫu thuật tinh tế do bị rung tay, hoặc đôi khi quên cả dụng cụ phẫu thuật trong người bệnh. Thêm vào đó, với khả năng kết nối thông tin và tri thức y tế toàn cầu cùng với khả năng kết nối với các “bác sĩ AI phẫu thuật” khác, “robot AI” trong tương lai sẽ bỏ xa “phẫu thuật viên con người” trong phần lớn các phẫu thuật điều trị.

Trí tuệ nhân tạo có thể và không thể vượt qua con người

Với khả năng “tự học sâu và nạp dữ liệu liên tục”, trí tuệ nhân tạo có kiến thức chuyên môn và học lực vượt rất xa con người. Ngay từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, trí tuệ nhân tạo Watson đã vượt xa những bộ óc siêu việt của con người trong các cuộc thi về kiến thức y tế. Chỉ trong vòng một năm rưỡi, AI – Watson đã học hết kiến thức các sách giáo khoa y học, đọc hơn một triệu luận văn y học, thuộc toàn bộ các thông tin về sản phẩm dược trên toàn cầu, cập nhật hơn bốn triệu bằng phát minh sáng chế thuốc, tham khảo hàng trăm triệu bệnh án và thông tin sức khoẻ cá nhân, ghi nhớ hơn 300 triệu hồ sơ hình ảnh X-quang, CT scan và MRI. Tại Mỹ, Canada, một số nước châu Âu và châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc), “bác sĩ AI – Watson” đã tham gia điều trị ung thư và một số bệnh lý khác cùng với các bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt trong chẩn đoán ung thư, trí tuệ nhân tạo Watson có khả năng chẩn đoán chính xác đến 90 – 100% so với khả năng chẩn đoán ung thư của các bác sĩ chuyên khoa hiện nay chỉ là 50 – 80%. Một số các AI chuyên khoa được phát triển và đưa vào sử dụng tại các nước trên thế giới như AI – Enlitic giúp chẩn đoán chính xác hình ảnh ung thư phổi là 100%. “Bác sĩ AI chuyên khoa mắt” được phát triển bởi Deep Mind (Google) có khả năng chẩn đoán chính xác các bệnh lý nhãn cầu cao hơn bác sĩ chuyên khoa mắt lên đến 20%.

Theo báo cáo của các nước có nền y học và khoa học công nghệ tiên tiến, “bác sĩ trí tuệ nhân tạo” có khả năng chẩn đoán vượt trội hơn con người trong nhiều lĩnh vực như siêu âm chẩn đoán, chẩn đoán ung thư da, chẩn đoán các bệnh thường gặp trong cộng đồng, chẩn đoán gãy xương và các bệnh lý thần kinh…Ngoài ra, người bệnh lại cảm thấy thoải mái hơn, tin tưởng hơn và dễ dàng thổ lộ những lo lắng cá nhân và xử lý cảm xúc tốt hơn khi tiếp xúc với “bác sĩ AI” so với khi tiếp xúc với “bác sĩ con người”.

Tuy nhiên “bác sĩ con người” lại vượt trội hơn “bác sĩ AI” ở những năng lực đặc thù đó là “khả năng đồng cảm” và “trí tưởng tượng sáng tạo”. Đây là những phạm thù thuộc tính của trí tuệ cảm xúc của con người. Dù rằng “bác sĩ con người” không thể đuổi kịp “bác sĩ trí tuệ nhân tạo” về năng lực tích luỹ tri thức, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và “tự học sâu”; thế nhưng việc phát huy những năng lực đặc thù của con người cùng với kiến thức chuyên sâu về khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cho “bác sĩ con người” trong tương lai vẫn có thể làm chủ được các “bác sĩ AI”. Do bởi “bác sĩ AI” không có khả năng cảm nhận hay thấu hiểu  (năng lực đồng cảm)với người bệnh một cách tuyệt đối vì không thể cảm nhận được những lý trí và tình cảm thông qua cảm xúc giác quan con người; thậm chí là “bác sĩ AI” không có“trí tưởng tượng sáng tạo” để có thể tự phát minh ra được các phương tiện kỹ thuật giúp cải thiện việc chăm sóc sức khoẻ nhân loại.

Tóm lại, trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống, đặc biệt trong y học đã mở ra một triển vọng mới trong việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Việc tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ nhằm phát triển “bác sĩ trí tuệ nhân tạo”có những năng lực vô hạn về tri thức và khả năng “tự học sâu”, song hành cùng với những khả năng đặc thù của “bác sĩ con người” về “năng lực đồng cảm” và “trí tưởng tượng sáng tạo” sẽ làm cho nền y học hiện đại phát triển một cách tột bậc, góp phần năng cao năng lực dự phòng, chẩn đoán và điều trị của hệ thống y tế toàn cầu. Tại Việt Nam, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học vẫn chưa được phát triển so với một số nước trong khu vực. Do vậy, việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong đội ngũ cán bộ y tế nước nhà, nhất là năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo và làm chủ trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân là rất cần thiết. Thế nên, cần phải đổi mới giáo dục đào tạo theo hướng nâng cao năng lực “đồng cảm” và “trí tượng tượng sáng tạo” cho người học nói chung và cho đào tạo nhân lực y tế nói riêng, phù hợp với định hướng phát triển “khoa học công nghệ” gắn kết với phát triển “nhân học” trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Đặc biệt ngoài năng lực “đồng cảm” và “trí tưởng tượng sáng tạo”, người thầy thuốc Việt Nam vẫn phải không ngừng trao dồi phẩm chất chuyên biệt là phải “vừa hồng và vừa chuyên”./. 

Tác giả: GS.TSKH. Dương Quý Sỹ 
Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL Việt Nam
Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam

Clip bài tham luận của GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tại Hội nghị giấc ngủ Châu Á lần thứ 4 tại Bangkok, Thái Lan ngày 10-13/12/2023.

Vui lòng click vào link sau để truy cập "Diagnosis and treatment of subjects with Down syndrome"

--------------------
Tác giả: TS. Nguyễn Duy Thái
Phó Chủ tịch LCH Y học cổ truyền - Y học giấc ngủ Việt Nam

Clip bài tham luận của GS. TSKH. BS Dương Quý Sỹ, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tại Hội nghị giấc ngủ Châu Á lần thứ 4 tại Bangkok, Thái Lan ngày 10-13/12/2023.

Vui lòng click vào link sau để truy cập "Personalized medicine in patients with OSA in ASIA"

--------------------
Tác giả: TS. Nguyễn Duy Thái
Phó Chủ tịch LCH Y học cổ truyền - Y học giấc ngủ Việt Nam

Sáng ngày 07/12, GS. TSKH.BS Dương Quý Sỹ đã thay mặt Hội Y học giấc ngủ Việt Nam trao tặng máy đo đa ký giấc ngủ trị giá hơn 100 triệu đồng cho Bệnh viện 199.

GS. TSKH.BS Dương Quý Sỹ trao tặng máy đo đa ký giấc ngủ cho Bệnh viện 199, Bộ Công an

Hội Y học giấc ngủ Việt Nam và Bệnh viện 199 đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe giấc ngủ trong cộng động, chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ.

Việc ký kết hợp tác đã khẳng định sự kết nối, phát triển bền vững giữa hai bên, đánh dấu bước tiến mới trong việc chăm sóc sức khỏe giấc ngủ của cộng đồng, hứa hẹn mang lại những giá trị thiết thực và lợi ích dài lâu cho người dân tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.

Tiếp nối, duy trì mối quan hệ tốt đẹp đó, GS. TSKH.BS Dương Quý Sỹ cùng Hội Y học giấc ngủ Việt Nam đã trao tặng máy đo đa ký giấc ngủ trị giá hơn 100 triệu đồng cho Bệnh viện 199 để giúp đơn vị bổ sung thêm trang thiết bị, phục vụ chẩn đoán, sàng lọc hội chứng ngưng thở khi ngủ, cải thiện sức khoẻ giấc ngủ cho nhân dân.

 

Đồng thời, Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam cũng hỗ trợ triển khai chương trình tầm soát "Ngủ ngáy - Ngưng thở khi ngủ" cho toàn thể các cán bộ y tế của Bệnh viện. Mục tiêu chính của chương trình là nhằm tầm soát, phát hiện sớm và đưa ra giải pháp điều trị kịp thời cho những đối tượng có nguy cơ cao. Chương trình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, mà còn góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực Y học giấc ngủ tại Việt Nam.

---------------------------

Tác giả: TS. Nguyễn Duy Thái (nguồn website Bệnh viện 199),
Phó Chủ tịch Liên Chi hội Y học cổ truyền - Y học Giấc ngủ Việt Nam