ThS.BSNT. Nguyễn Văn Hồng Quân

Ủy viên ban chấp hành Chi hội Dị ứng, Miễn dịch Y học giấc ngủ

Bộ môn Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội

Từ khóa: mày đay mạn tính, CU-Q2oL, rối loạn giấc ngủ, ngừng thở khi ngủ

Text

Mày đay mạn tính (MĐMT) là bệnh lí rất thường gặp với tỉ lệ mắc có thể lên đến 1% dân số, hầu hết không tìm được yếu tố khởi phát. MĐMT được xác định khi các tổn thương sẩn phù hoặc phù mạch đặc trưng xuất hiện tái diễn trên 6 tuần. Cơ chế bệnh sinh của MĐMT liên quan đến sự hoạt hóa của tế bào mast bằng nhiều con đường khác nhau, dẫn đến giải phóng các hạt chứa các chất trung gian hóa học, đặc biệt là histamin, cũng như tổng hợp một số chất mới. Chính các chất trung gian hóa học này dẫn tới sự tăng tính thấm thành mao mạch gây ra sẩn phù và phù mạch, kích thích các đầu dây thần kinh gây cảm giác ngứa cho bệnh nhân. 

MĐMT là một bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, nó đem lại gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình và bạn bè của họ cũng như hệ thống chăm sóc y tế. MĐMT ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống hàng ngày, như công việc, các mối quan hệ xã hội, giấc ngủ, có thể dẫn tới các rối loạn tâm lý ở nhiều mức độ cho người bệnh. Ngoài ra, tác dụng không mong muốn từ các phương pháp điều trị cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của MĐMT lên chất lượng cuộc sống của người bệnh, chúng ta có thể sử dụng một số thang điểm khác nhau như CU-Q2oL (the chronic urticaria quality of life questionnaire), AE-QoL (the angioedema quality of life questionnaire). 

Thang điểm CU-Q2oL đề cập đến các khía cạnh công việc, hoạt động thể lực, giấc ngủ, mối quan hệ xã hội, hoạt động ăn uống và tác động đến thời gian rảnh của người bệnh. Trong đó, các vấn đề về giấc ngủ được chú trọng đặc biệt. Theo nghiên cứu của Baiardini và cộng sự (2005), các rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở 71-80% số bệnh nhân. Cụ thể hơn, 78,95% bệnh nhân gặp khó khăn để bắt đầu giấc ngủ, 61,84% bệnh nhân phải thức giấc vào ban đêm do ngứa, 60,53% bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày do chất lượng giấc ngủ ban đêm không cao. Nghiên cứu của Maurer và cộng sự (2017) thông qua phân tích mối liên hệ giữa điểm hoạt động bệnh UAS7 và điểm CU-Q2oL đã chứng minh rằng mức độ hoạt động của MĐMT tỉ lệ thuận với các rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân. Một nghiên cứu phân tích triệu chứng ngứa trong chu kì giấc ngủ đã cho thấy ngứa chủ yếu xảy ra ở giai đoạn bắt đầu của giấc ngủ, tức là giai đoạn 1 của chu kì giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM-1).

Một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng là ngừng thở khi ngủ cũng khá thường gặp trong MĐMT. Nghiên cứu của Alatas và cộng sự (2020) trên 31 bệnh nhân MĐMT cho thấy chỉ số ngừng thở-giảm thở khi ngủ AHI lên đến 6,9±3,9 điểm, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng gồm 40 người khỏe mạnh (AHI 2,07±1,49, p=0,032). Chỉ số này cũng tăng lên cùng với mức độ hoạt động bệnh.

Tác giả Perkowska và cộng sự (2016) đã đánh giá các rối loạn thở khi ngủ ở bệnh nhân MĐMT ổn định (không hoặc có rất ít triệu chứng). Nghiên cứu này ghi nhận 25% số bệnh nhân có các vấn đề về giấc ngủ, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ 10% ở quần thể dân số chung. Trong đó, chủ yếu là các rối loạn ngưng thở khi ngủ hỗn hợp (cả ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thở trung ương). Tuy nhiên, các rối loạn giấc ngủ này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân trong nghiên cứu và không cần can thiệp điều trị.

Từ các thống kê nêu trên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giả thuyết về sự tương tác giữa MĐMT và chất lượng giấc ngủ. MĐMT dẫn đến ngứa, có thể có phù nề đường hô hấp trên gây ảnh hưởng đến thông thoáng đường thở. Ngoài ra, histamin không những là một trung gian hóa học chủ yếu gây nên các triệu chứng mày đay, mà còn tham gia vào quá trình thức tỉnh và duy trì trạng thái cảnh giác ở con người. Sự giải phóng nhiều histamin có thể là nguyên nhân làm người bệnh khó đi vào giấc ngủ hơn. Ngược lại, việc chất lượng giấc ngủ giảm sút cũng dẫn đến tăng các tín hiệu tiền viêm, tăng các rối loạn dung thứ miễn dịch, mất cân bằng miễn dịch đặc hiệu, góp phần vào sinh bệnh học của MĐMT. Một nghiên cứu công bố năm 2018 dựa trên dữ liệu y tế từ khoảng 210.000 người Đài Loan gồm nhóm rối loạn giấc ngủ và nhóm không rối loạn giấc ngủ được theo dõi trong 10 năm, cho thấy nhóm rối loạn giấc ngủ có nguy cơ mắc MĐMT cao hơn so với nhóm không có rối loạn giấc ngủ (tỉ số Hazard 1,83)

Kiểm soát mức độ hoạt động và triệu chứng của MĐMT giúp hạn chế ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Kháng histamin H1 thế hệ 2 vẫn là lựa chọn đầu tay và quan trọng nhất. Theo quan niệm trước đây, các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 gây buồn ngủ thường được chỉ định khi bệnh nhân có MĐMT và mất ngủ. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã phủ định điều này. Nghiên cứu của Staevska và cộng sự (2014) thực hiện mù đôi, ngẫu nhiên, một nhóm dùng kháng histamin H1 thế hệ 2 liều tối ưu, và một nhóm phối hợp cả hai thế hệ. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về điểm CU-Q2oL và các rối loạn giấc ngủ đêm giữa 2 nhóm, nhưng nhóm dùng phối hợp 2 thế hệ kháng histamin có thời gian ngủ gà/mệt mỏi ban ngày dài hơn. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy kháng histamin H1 thế hệ 1 làm trì hoãn và giảm chất lượng các giấc ngủ REM.

Mặc dù tương tác qua lại của MĐMT và rối loạn giấc ngủ rất quan trọng và đã được chú ý đến, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở mức thống kê triệu chứng. Chưa có nhiều nghiên cứu tập trung vào cơ chế chuyên sâu cũng như các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn. Đây sẽ là hướng nghiên cứu tiềm năng trong tương lai gần, góp phần vào bức tranh toàn cảnh về MĐMT.

Tài liệu tham khảo

1. Zuberbier T., Abdul Latiff A.H., Abuzakouk M. Et al. (2022). The international EAACI/GA2LEN/EuroGuiDerm/APAAACI guideline for the definition, classification, diagnosis, and management of urticaria. Allergy, 77(3), 734–766.

2. Kanamori K.Y., Alcantara C.T., Motta A.A., et al. (2016). Quality of Life Assessment in Patients with Chronic Urticaria. Journal of Allergy and Clinical Immunology, 137(2), AB258.

3. Baiardini I., Pasquali M., Braido F., et al. (2005). A new tool to evaluate the impact of chronic urticaria on quality of life: chronic urticaria quality of life questionnaire (CU-QoL). Allergy, 60(8), 1073–1078.

4. Maurer M., Abuzakouk M., Bérard F., et al. (2017). The burden of chronic spontaneous urticaria is substantial: Real-world evidence from ASSURE-CSU. Allergy, 72(12), 2005–2016.

5. Lavery M.J., Stull C., Kinney M.O., et al. (2016). Nocturnal Pruritus: The Battle for a Peaceful Night’s Sleep. Int J Mol Sci, 12.

6. Alatas E.T., Unal Y., Pektas S.D., et al. (2020). Obstructive sleep apnea syndrome in patients with chronic idiopathic urticaria. Dermatologic Therapy, 33(6), e14060.

7. Perkowska J., Kruszewski J., Gutkowski P., et al. (2016). Occurrence of sleep-related breathing disorders in patients with chronic urticaria at its asymptomatic or oligosymptomatic stages. Postepy Dermatol Alergol, 33(1), 63–67.

8. He G.-Y., Tsai T.-F., Lin C.-L., et al. (2018). Association between sleep disorders and subsequent chronic spontaneous urticaria development: A population-based cohort study. Medicine (Baltimore), 97(34), e11992.

9. Staevska M., Gugutkova M., Lazarova C., et al. (2014). Night-time sedating H1-antihistamine increases daytime somnolence but not treatment efficacy in chronic spontaneous urticaria: a randomized controlled trial. British Journal of Dermatology, 171(1), 148–154.

10. Mann C., Dreher M., Weeß H., et al. (2020). Sleep Disturbance in Patients with Urticaria and Atopic Dermatitis: An Underestimated Burden. Acta Derm Venereol, 100(6), adv00073-6.