Tác giả: GS.TSKH.BS. Dương Quý Sỹ
Khoa Dị ứng Miễn dịch Trung tâm Bệnh viện Hershey, ĐHYK Penn State - USA.
Trung tâm Nghiên cứu Y sinh - Trường CĐYT Lâm Đồng. Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam.
1. Những yếu tố kích hoạt cơn cấp phù mạch di truyền
- Các cơn sưng phù cấp trong phù mạch di truyền (HAE) có thể xảy ra thường xuyên trong suốt cuộc đời người bệnh, đôi khi không tìm ra tác nhân kích hoạt cơn HAE cấp. Thông thường, cơn cấp HAE có thể được thúc đẩy bởi chấn thương, nhiễm virus, stress, các thủ thuật y khoa và nha khoa, bao gồm phẫu thuật và nhổ răng, thay đổi nội tiết tố, thuốc và chất gây dị ứng, hoạt động thể chất.
- Các triệu chứng cơn cấp tính của HAE bao gồm các vùng da niêm bị sưng phù, có thể phù nề nhẹ hoặc sưng phồng lên. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy theo từng người hoặc thậm chí tùy theo từng đợt tấn công ở cùng một người và có thể bao gồm các triệu chứng không sưng phù gây khó chẩn đoán hoặc chẩn đoán nhầm.
- Do vậy trong điều trị cơn cấp HAE cần phải xác định các yếu tố khởi phát, tùy theo từng người bệnh sẽ có cách dự phòng và điều trị phòng ngừa ngắn hạn và dài hạn bằng thuốc.
- Trong đa số trường hợp, tình trạng sưng phù cấp trong cơn HAE nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn mửa và đau bụng dữ dội. Một số người bệnh có thể bị sưng phù vùng miệng và hầu họng, gây khó nuốt, khó nói và khó thở. Các dấu hiệu về hô hấp có thể nhanh chóng trở thành trường hợp cấp cứu đe dọa tính mạng và cần được điều trị chuyên biệt ngay lập tức.
2. Các yếu tố khởi phát cơn phù mạch di truyền cấp tính:
2.1. Các chất gây dị ứng
Dị ứng với các loại thực phẩm thông thường hoặc các yếu tố dị ứng nguyên từ môi trường có thể gây ra các cơn cấp HAE. Các loại thực phẩm khởi phát cơn phù mạch cấp có thể bao gồm sữa, táo, dứa, hành tây, tỏi, cá, trái cây họ cam quýt, dâu tây và phô mai. Đặc biệt triệu chứng của các đợt cấp HAE khởi phát do dị ứng nguyên gần giống với các loại phản ứng dị ứng khác.
2.2. Hoạt động thể chất
Thực hiện các hoạt động thể chất lặp đi lặp lại gây áp lực lên một bộ phận cơ thể trong thời gian dài có thể gây ra các cơn phù mạch cấp ở những người bị HAE. Ví dụ cầm vợt chơi tennis, chơi cầu lông – bóng bàn, đánh máy hoặc giữ chặt một dụng cụ cầm tay trong thời gian dài.
2.3. Sang chấn thể chất
Chấn thương thực thể, kể cả do phẫu thuật hoặc tai nạn, có thể gây ra cơn cấp HAE ở vùng bị ảnh hưởng trên cơ thể.
2.4. Bệnh nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây ra các đợt cấp HAE ở trẻ em và người lớn. Do vậy cần khuyên người bệnh hạn chế tiếp xúc với nhiễm siêu vi và chủng ngừa các loại vắc-xin được khuyến nghị.
2.5. Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nồng độ hormone như nội tiết tố nữ cũng có thể gây ra các cơn phù mạch di truyền cấp tính. Ngoài ra, tuổi dậy thì có thể khiến các triệu chứng HAE trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, đặc biệt đối với các bé gái; sự biến đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, mãn kinh, mang thai và cho con bú có thể dẫn đến các cơn cấp HAE xảy ra thường xuyên hơn. Do vậy, phụ nữ mang thai nên được theo dõi bởi chuyên gia HAE, ngoài bác sĩ sản phụ khoa; việc quản lý tốt tình trạng bệnh sẽ giúp phụ nữ sẽ mang thai và sinh nở thành công.
2.6. Do thuốc
- Thuốc tránh thai chứa nội tiết tố nữ tổng hợp có thể gây ra các cơn đau do phù mạch cấp tính ở người nữ bị HAE.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp có chứa chất ức chế men chuyển (ACE) có thể làm tăng tần suất hoặc khởi đầu đầu các cơn HAE và nên tránh sử dụng.
2.7. Căng thẳng tâm lý và rối loạn cảm xúc
Sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các vấn đề mâu thuẫn trong gia đình có thể là một số nguyên nhân gây căng thẳng (stress) về mặt cảm xúc cũng sẽ là yếu tố khởi phát cơn cấp HAE. Do vậy, stress có thể dẫn đến lo lắng, trầm cảm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bị HAE.
2.8. Phẫu thuật can thiệp vùng hầu họng
Các thủ thuật xâm lấn ở vùng miệng ở người bị HAE, như là phẫu thuật hoặc chỉnh hình nha khoa, phẫu thuật tai mũi họng có thể gây sưng tấy tại vị trí phẫu thuật, thường là trong vòng 48 giờ trong và sau khi can thiệp. Ví dụ, nhổ răng ở người bị HAE cũng có thể gây sưng tấy ở vùng miệng trong hơn một phần ba số người mắc HAE nếu không được điều trị phòng ngừa trước khi thực hiện thủ thuật.
3. Những điều cần lưu ý để phòng tránh những cơn HAE cấp tính
- Người bị HAE cần ghi lại nhật ký mô tả các đợt cấp (triệu chứng, yếu tố khởi phát) và các nguyên nhân có thể xảy ra có thể giúp xác định các nguyên nhân tiềm ẩn. Ghi nhận mức độ nghiêm trọng của cơn cấp HAE, nguyên nhân có thể, phương pháp điều trị và đáp ứng với điều trị.
- Cần bảo đảm chăm sóc nha khoa tốt để giảm nhu cầu phẫu thuật nha khoa; trao đổi với bác sĩ phẫu thuật hoặc nha sĩ trước bất kỳ thủ thuật nào về việc điều trị dự phòng ngắn hạn.
- Tiêm phòng cúm để giảm nhiễm trùng đường hô hấp trên và thực hành phòng chống nhiễm khuẩn tốt để tránh nhiễm trùng, chẳng hạn như rửa tay và đeo khẩu trang khi cần.
- Phụ nữ nên tránh dùng thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và liệu pháp thay thế hormone estrogen. Thay vào đó, nên dùng biện pháp tránh thai nội tiết tố bằng thuốc chỉ chứa progesterone.
- Thực hiện chế độ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh không bao gồm các chất gây dị ứng đã biết.
- Thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, không đối kháng và va chạm với người khác hoặc sử dụng thiết bị thể thao có thể dẫn đến chấn thương cơ thể như tạo vết bầm hoặc các nếp gấp.
- Đặc biệt cần phải ngủ đủ giấc, vệ sinh giấc ngủ tốt để điều hòa các đáp ứng dị ứng quá mức của người bệnh HAE; phối hợp thực hành thiền, thở sâu và các bài tập chánh niệm và thư giãn khác để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần và sức khỏe giấc ngủ.
- Đối với trẻ bị HAE:
Khuyên bố mẹ cho trẻ em tiêm tất cả các loại vắc xin được khuyến nghị cho trẻ em, được coi là an toàn cho những người mắc bệnh HAE; hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách, chẳng hạn như rửa tay; lập kế hoạch hành động trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khi trẻ lên cơn cấp HAE; mang theo thuốc điều trị cấp cứu cơn HAE cấp theo yêu cầu và biết cách sử dụng; cho trẻ đeo thẻ bệnh và có ghi rõ các yếu tố khởi phát, triệu chứng HAE cấp và xử trí các cơn HAE cấp; cung cấp hướng dẫn bằng văn bản cho những người chăm sóc trẻ em, chẳng hạn như tại nhà trẻ và trường học, về cách tránh các tác nhân gây ra cơn HAE và kiểm soát các triệu chứng./.
“Trân trọng cảm ơn Công ty Takeda đã hỗ trợ cho VSSM trong việc viết và đăng bài”.